Wed Jan 22
Người Mỹ lạc quan hơn về kinh tế
2024-09-16 HaiPress
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 là 69 điểm,tăng 2% so với tháng trước đó và 40% so với mức thấp kỷ lục tháng 6/2022 - thời điểm lạm phát tại Mỹ lập đỉnh. Dù vậy,chỉ số này vẫn thấp hơn tiền đại dịch.
"Niềm tin tiêu dùng đã tăng 2 tháng liên tiếp,cao nhất 4 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng thấy giá cả dễ chịu hơn,đặc biệt với các sản phẩm giá trị lớn như xe hơi và đồ nội thất",Joanne Hsu - người đứng đầu bộ phận khảo sát tiêu dùng tại Đại học Michigan cho biết.
Bên ngoài một trung tâm thương mại ở New York (Mỹ) dịp Blak Friday 2023. Ảnh: Reuters
Người Mỹ cũng lạc quan hơn về lạm phát năm tới. Dự báo lạm phát trung bình năm sau giảm tháng thứ 4 liên tiếp,xuống 2,7%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Khảo sát cũng chỉ ra "ngày càng nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa dự báo Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chiến thắng" trong cuộc bầu cử tháng 11. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và bà Harris trên truyền hình diễn ra tuần trước. Ông Trump từ chối tranh luận lần hai với bà Harris.
Các số liệu mới nhất này có thể có lợi cho bà Harris. Kinh tế là vấn đề bao trùm cuộc bầu cử năm nay,từ giá nhà đến lạm phát. Đây cũng là chủ đề đầu tiên được bàn tới trong cuộc tranh luận tuần trước. Vì thế,diễn biến kinh tế từ nay đến đầu tháng 11 có thể tác động đến quyết định của cử tri.
Trong tháng 8,chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 2,5%,giảm đáng kể so với mức đỉnh 9% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - cũng phát tín hiệu hạ nhiệt suốt 2 năm qua. So với thời điểm 2022,giá cả giảm đáng kể trong nhiều lĩnh vực,nhất là xăng. Sản phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tâm lý về giá cả của người dân.
"Nếu người tiêu dùng tập trung vào mức tăng giá trong 4 năm qua,Trump sẽ có lợi thế. Nhưng nếu nhìn vào quá trình Mỹ đưa lạm phát về 2% - mục tiêu của Fed,bà Harris lại có lợi",Ryan Sweet - kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết trên CNN.
Hà Thu (theo CNN,Reuters)