Wed Jan 22
Vì sao đề xuất đeo máy giám sát điện tử với người hưởng án treo?
2024-09-20 HaiPress
Thông tin được nêu tại dự thảo tờ trình và dự thảo luật về dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi do Bộ Công an đang lấy ý kiến,trong đó dành riêng một chương mới để quy định về giám sát điện tử.
Trong dự thảo,Bộ Công an đề xuất những trường hợp bị giám sát điện tử là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; người chấp hành án tù treo,án phạt cải tạo không giam giữ; người chấp hành án phạt quản chế; người chấp hành án phạt cấm cư trú; người được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ hình phạt tù.
Phạm nhân tham gia lao động,hướng nghiệp,học nghề ngoài trại giam hoặc phạm nhân được trích xuất,phân quyền quản trị cũng bị đề xuất giám sát điện tử.
Những người bị bệnh nặng hoặc không thể đi lại được,phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi,hoặc có lý do chính đáng khác sẽ không bị gắn thiết bị giám sát điện tử.
Về phương thức,người bị giám sát được gắn một thiết bị điện tử lên cơ thể để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Khi họ đi khỏi địa bàn cư trú,làm việc thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan quản lý.
Một thiết bị giám sát điện tử sử dụng trong hệ thống tư pháp tại Mỹ. Ảnh: ABC
Việc giám sát được thực hiện qua Trung tâm giám sát điện tử được thiết lập ở cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an,Bộ Quốc phòng hoặc công an cấp tỉnh,quân khu.
Trong một ngày làm việc từ khi gắn thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể của người bị giám sát,cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc cấp quân khu sẽ thông báo,phân quyền quản lý cho công an cấp xã để trực tiếp giám sát. Thời gian giám sát điện tử bằng thời gian chấp hành án hoặc thử thách theo quyết định của tòa án.
Người bị giám sát điện tử không được tự ý phá hủy,tháo rời khỏi cơ thể,làm mất tính năng,tác dụng của thiết bị giám sát điện tử trong thời gian bị giám sát,trừ khi có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cố ý làm hư hỏng thiết bị giám sát điện tử tùy từng mức độ sẽ bị xử lý.
Người nào tự ý phá hủy,tháo rời thiết bị sẽ lập tức có cảnh báo truyền về cơ quan quản lý. Với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc đang chấp hành án treo trong trường hợp này sẽ bị xác định là vi phạm nghĩa vụ lần thứ nhất.
Lý giải về những đề xuất đổi mới hoàn toàn trên,Bộ Công an cho rằng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng tăng cao theo từng năm,trong khi việc giám sát lại thực hiện thủ công,hiệu quả thấp. Hơn nữa,việc định kỳ phải trình diện tại cơ quan có thẩm quyền cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất,sinh hoạt thường ngày của họ và tác động không nhỏ đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt,tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn,vi phạm nghĩa vụ vẫn cao,trung bình mỗi năm có 1.500 người. Chủ yếu tập trung vào nhóm được tha tù trước thời hạn có điều kiện,chấp hành án treo,cải tạo không giam giữ,cấm cư trú hoặc chấp hành án phạt quản chế.
Bởi thế việc đeo thiết bị giám sát điện tử để quản lý,theo bộ công an,sẽ góp phần làm giải quyết vấn đề quá tải của các trại giam,giảm chi ngân sách cho quản lý,giáo dục,cải tạo phạm nhân. Từ đó cũng tăng vật chất cho xã hội do người người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng lao động,sản xuất.
Cả nước hiện có 71.000 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Việc quản lý chặt người được hoãn hoặc tạm đình chấp hành hình phạt tù bằng công nghệ như vậy cũng sẽ hạn chế tình trạng bỏ trốn và vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Công an,để bảo đảm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự sửa đổi cần có kinh phí ban đầu khi mua sắm,trang bị thiết bị giám sát điện tử,chi phí xây dựng Trung tâm giám sát điện tử và duy trì hoạt động của các thiết bị. Ngoài ra còn cần một số loại kinh phí khác để xây mới hoặc nâng cấp đồng bộ trại giam,thực hiện chế độ mới cho phạm nhân,tuyên truyền luật,...
"Đây là các khoản chi phí cần thiết,tất yếu để triển khai thi hành Luật và nâng cao chất lượng quản lý tại trại giam hiện nay,trong thời gian tới. Do đó,nguồn kinh phí bảo đảm chi phí trên sẽ được cân đối từ ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác",Bộ Công an lý giải.
Giám sát điện tử (EM) được nhiều quốc gia sử dụng với mục đích giảm hình phạt tù,như sử dụng trước khi xét xử để giảm lệnh tạm giam,sử dụng sau khi kết án như một hình phạt cải tạo không giam giữ thay thế hình phạt tù,hay được sử dụng như một hình thức trả tự do trước thời hạn hoặc ân xá có điều kiện.
Phạm Dự