Fri Dec 20
Philippines triển khai máy bay, chiến hạm giám sát tàu ngầm Nga
2024-12-02 HaiPress
Cảnh sát biển Philippines ngày 2/12 cho biết một tàu ngầm tấn công của Nga đã đi qua "biển Tây Philippines",thuật ngữ được Manila dùng để chỉ khu vực Biển Đông mà nước này cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.
Chuyến di chuyển của tàu ngầm Nga không vi phạm luật pháp quốc tế,nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vẫn mô tả đây là động thái đáng lo ngại. "Mọi hành động xâm nhập biển Tây Philippines,EEZ và đường cơ sở của Philippines đều rất đáng lo. Tôi sẽ để quân đội bình luận về vấn đề này",ông cho hay.
Tàu ngầm Ufa chuẩn bị cập cảng Tanjung Perak ở Indonesia hôm 7/11. Ảnh: AFP
Chuẩn đô đốc Roy Vincent,phát ngôn viên hải quân Philippines,xác nhận lực lượng này đã theo dõi tàu ngầm tấn công Ufa thuộc Đề án 636 của Nga. Nó đến từ hướng Malaysia và lần đầu được phát hiện ngày 28/11,ở vị trí cách bờ biển tỉnh Occidental Mindoro gần 150 km về phía tây.
Hải quân Philippines cho biết đã điều động tàu chiến,máy bay để theo dõi tàu ngầm Ufa. Chiến hạm Nga di chuyển về phía bắc trong trạng thái nổi,không tiến về phía lãnh hải Philippines.
"Tàu hộ vệ BRP Jose Rizal đã liên lạc vô tuyến với tàu ngầm. Phía Nga đã xác nhận danh tính chiến hạm,thành phần thủy thủ đoàn và ý định khi di chuyển. Họ cho biết đang chờ thời tiết cải thiện để trở về cảng Vladivostok",thông cáo của hải quân Philippines có đoạn.
Ông Jinggoy Estrada,quyền chủ tịch Thượng viện Philippines,ngày 2/12 cho rằng sự xuất hiện của một tàu ngầm tấn công Nga trong vùng biển Philippines làm "gia tăng nguy cơ hiểu nhầm và xung đột" ở một khu vực vốn đã rất nhạy cảm.
"Tình huống này đáng lo ngại vì nó làm dấy lên những câu hỏi về an ninh,ổn định ở vùng biển,vốn là điểm nóng về căng thẳng địa chính trị",ông Estrada,người giữ chức chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Philippines,nói.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Vị trí tỉnh Occidental Mindoro (bôi đỏ). Đồ họa: CSIS
Viện Hải quân Mỹ (USNI) tuần trước cho biết tàu ngầm Ufa cùng tàu cứu hộ Alatau đang hoạt động ở Biển Đông sau khi thăm căn cứ hải quân Kota Kinabalu của Malaysia hôm 23/11. Chiến hạm Nga hồi đầu tháng 11 cũng lần đầu thăm cảng ở Indonesia.
EEZ không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển và các nước khác có nhiều quyền hơn so với trong lãnh hải. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982,các quốc gia khác có các quyền tự do về hàng hải,hàng không và lắp đặt cáp,ống ngầm trong EEZ của một nước.
Phạm Giang (Theo Reuters,GMA,Inquirer)