Fri Dec 20
Đứa trẻ sinh ra sau khi bố mẹ qua đời 4 năm
2024-08-22 HaiPress
Gần đây,câu chuyện của giáo sư Đại học Bắc Kinh Hồ Vĩnh đang trên đỉnh cao sự nghiệp phải tạm dừng để chăm sóc mẹ ốm đã khơi lên những thảo luận về bi kịch của 200 triệu người thuộc thế hệ con một tại Trung Quốc.
Từ câu chuyện trên,dư luận nước này nhắc lại cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn hai năm để "giữ lại máu mủ" là phôi đông lạnh có bố mẹ đều là con độc nhất đã mất sau một tai nạn thương tâm.
Câu chuyện từng gây sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận Trung Quốc nhiều năm trước.
Vụ tai nạn xe khiến cặp vợ chồng Lưu Hi và Thẩm Kiệt thiệt mạng tại thành phố Nghi Hưng,tỉnh Giang Tô,năm 2013. Ảnh: 163.com
Lưu Thi và Thẩm Kiệt ở TP Nghi Hưng,tỉnh Giang Tô kết hôn đầu năm 2012. Hơn một năm sau ngày cưới vẫn chưa có con,họ được khuyên làm IVF (thụ tinh ống nghiệm).
Giữa năm 2013,bệnh viện lấy được 13 quả trứng của Lưu Thi,bốn trong số đó phát triển thành phôi khỏe mạnh. Bác sĩ hẹn 5 ngày sau sẽ cấy ghép.
Hôm đó,hai vợ chồng lái xe qua nhà mẹ Thẩm Kiệt để mừng sinh nhật bà. Trên đường về nhà họ gặp tai nạn giao thông,qua đời.
Cái chết của Lưu Thi và Thẩm Kiệt như một cú sét giáng xuống gia đình nội ngoại,bởi cả hai đều là con độc nhất theo "Chính sách một con". Một lần trong lúc kiểm kê đồ đạc,mẹ Lưu Thi phát hiện giấy chứng nhận lưu giữ phôi thai tại bệnh viện của con gái. Bố mẹ của cả Lưu Thi và Thẩm Kiệt bàn nhau đến bệnh viện xin lấy lại,nhưng bị từ chối với lý do "phôi thai chỉ được trao cho người trực tiếp liên quan".
Câu trả lời từ phía bệnh viện khiến bố mẹ hai bên một lần nữa ngã quỵ. Họ vẫn không hiểu tại sao ''máu mủ" của mình mà không thể lấy lại. "Dù thế nào,chúng tôi cũng phải giữ lại máu mủ của mình",ông Thẩm Kinh Nam,bố của Thẩm Kiệt khẳng định.
Hai gia đình quyết định hợp lực kiện bệnh viện.
Vụ án nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Người ủng hộ cho rằng,phía bệnh viện về lý không sai,nhưng xét theo tình trong trường hợp đặc biệt này,nên trao trả phôi về cho gia đình. Những người khác lại lo ngại khi bốn người già lấy phôi về chắc chắn sẽ nhờ người mang thai hộ,điều này vi phạm luật pháp Trung Quốc.
Tại tòa,hai bên tranh luận nảy lửa. Đại diện bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định,trong khi bố mẹ Lưu Thi và Thẩm Kiệt lại nghẹn ngào kể về nỗi đau mất đi đứa con duy nhất. Họ dự định sẽ tìm một nơi "an toàn hơn" để cất giữ phôi. Khi chính sách cho phép,cháu của họ sẽ ra đời.
Đối mặt với vụ án chưa từng có tiền lệ,thẩm phán cũng thấy khó xử. Cuối cùng,tòa án đưa ra phán quyết,quyền sở hữu phôi thai thuộc về hai gia đình nhưng không được tự mình giữ,mà phải thông qua một cơ quan y tế khác.
Vì luật pháp Trung Quốc không cho phép mang thai hộ trong nước nên hai bên gia đình khi đó đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Sau nhiều lần tìm hiểu,họ được biết việc mang thai hộ là hợp pháp ở một số quốc gia châu Á. Với hy vọng cuối cùng,bố của Thẩm Kiệt đã liên hệ với một công ty hợp pháp có dịch vụ này và phôi thai đã được vận chuyển sang nước ngoài. Người phụ nữ được chọn mang thai hộ ngoài sức khỏe tốt còn có đôi mắt giống hệt Lưu Thi.
Để đảm bảo cho việc sinh đứa trẻ thành công,hai gia đình không bỏ lỡ bất kỳ lần khám thai nào của người mang thai hộ. Mỗi lần nghe bác sĩ thông báo thai nhi khỏe mạnh,với họ đó là niềm an ủi và hy vọng lớn nhất.
Ngày 9/12/2017,cậu bé Thiên Thiên chào đời từ phôi thai của Lưu Thi và Thẩm Kiệt. Bốn người lớn tuổi ôm nhau khóc nức nở. Tên của cậu bé được hai gia đình thống nhất đặt trước đó với ý nghĩa là "sự ngọt ngào đến từ ông trời".
Ông bà nội ngoại bên Điềm Điềm ngày cậu bé chào đời,năm 2017. Ảnh: 163.com
Trở về nhà,Thiên Thiên được ông bà nội ngoại thay nhau chăm sóc. Ông nội chịu trách nhiệm dỗ ngủ,bà nội nấu đồ ăn còn ông bà ngoại thay tã,tắm giặt và đưa cậu bé đi chơi. Khi cậu bé lớn hơn,bốn người thống nhất thuê thêm bảo mẫu để cùng chăm sóc. Cho đến khi học tiểu học,Thiên Thiên vẫn nghĩ,bố mẹ cậu đang sinh sống ở nước ngoài.
Hiện tại,ở tuổi lên 7,Thiên Thiên phần nào hiểu được câu chuyện của gia đình mình. Thừa hưởng sự dũng cảm của người cha vốn là cảnh sát cùng sự khéo léo của người mẹ là một giáo viên,ở trường cậu bé luôn là học sinh nổi trội,đặc biệt yêu thích hội họa.
Trong những bức tranh về gia đình của Thiên Thiên luôn xuất hiện 7 người,ngoài cậu và ông bà nội ngoại,còn có sự xuất hiện cha mẹ,được cậu bé vẽ dựa trên những bức ảnh mà hai gia đình còn lưu giữ.
Trang Vy (Theo 163)